Những thứ không được mang đến Nhật Bản, du học sinh cần ghi nhớ

Nếu mang thịt lợn, trứng, cam, quýt sang Nhật Bản, du học sinh có thể gặp rắc rối pháp lý.

Nếu chuẩn bị du học Nhật Bản và phân vân không biết nên mang những thứ gì để không gặp rắc rối với bộ phận hải quan, bạn hãy tham khảo danh sách được Livejapan liệt kê, để có một chuyến đi thuận lợi.

1. Các thực phẩm bị cấm

Hầu hết thực phẩm từ thịt và có nguồn gốc động vật bị cấm mang vào Nhật Bản do sợ lây lan bệnh truyền nhiễm và các loại bệnh liên quan đến vật nuôi. Luật cấm áp dụng cho thịt sống, thịt đã chế biến, đồ đóng gói hay thức ăn thừa từ máy bay, dù được mang với mục đích sử dụng cá nhân hay quà tặng.

Các thực phẩm bị cấm gồm:

– Động vật móng guốc như bò, lợn, dê, cừu và hươu…

– Gia cầm như gà, chim cút, gà lôi, đà điểu, gà tây, vịt, ngỗng.

– Ngựa, chó, thỏ và các mặt hàng có nguồn gốc từ mật ong.

– Thịt, ruột động vật dưới dạng nguyên liệu, đông lạnh hoặc chế biến.

– Trứng, bao gồm vỏ trứng hay kể cả trứng vịt lộn.

– Xương, mỡ, máu, da, lông, sừng, móng guốc và gân động vật.

– Sữa tươi, các sản phẩm từ sữa (trừ sữa áp dụng cho trẻ sơ sinh đi cùng).

– Rơm ngũ cốc và cỏ khô làm thức ăn (áp dụng cho một số vùng).

– Bò khô, giăm bông, xúc xích, thịt xông khói và bánh mì thịt.

Tuy nhiên, bạn có thể mang những mặt hàng trên đến Nhật Bản nếu có đầy đủ các giấy chứng nhận, kiểm tra dịch tễ.

Thịt và các sản phẩm từ thịt bị cấm mang sang Nhật. Nguồn: Livejapan

2. Các loại trái cây, thực vật bị cấm

Để ngăn chặn những loại sâu bệnh gây hại đến cây trồng, chính phủ Nhật Bản cấm các loại trái cây, thực vật sau:

– Các loại quả: Xoài, ớt, măng cụt, ổi, vải, hầu hết loại rau quả và trái cây như cam, quýt từ các nước và vùng lãnh thổ có loài ruồi giấm địa trung hải và ruồi đục trái phương đông đến từ châu Âu, châu Phi, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Australia, Trung Đông và Đông Nam Á.

– Các loại quả: Táo, lê, đào, xuân đào, anh đào và quả óc chó có vỏ từ các quốc gia và khu vực có sâu bướm như Bắc Mỹ.

– Khoai lang từ các quốc gia và khu vực như châu Á, châu Phi, Hawaii, Australia và châu Phi.

– Các loại hạt giống cam quýt từ các quốc gia và khu vực như Mỹ và Hawaii.

– Rơm từ các quốc gia và khu vực như châu Âu, châu Mỹ và New Zealand.

3. Các mặt hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Việc mang các mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như sản phẩm nhái thương hiệu vào Nhật Bản sẽ được xem là bất hợp pháp. Những sản phẩm này không chỉ cản trở sự tăng trưởng công nghiệp của đất nước mặt trời mọc mà còn có khả năng cung cấp tài nguyên buôn lậu cho các nhóm tội phạm và nhóm khủng bố. Vì lý do này mà hải quan Nhật đang tăng cường thêm các quy định.

Ngay cả khi bạn tin rằng món đồ của mình là hàng thật, nếu bị hải quan kiểm tra và phát hiện là đồ giả thì cũng sẽ bị tịch thu ngay.

Các món đồ nhái thương hiệu bị cấm mang sang Nhật. Ảnh: Livejapan

4. Các loại thuốc

Các loại thuốc bất hợp pháp như thuốc phiện, cocaine, heroin, MDMA, nấm ma thuật, thuốc kích thích, cần sa, dụng cụ hút thuốc phiện, thuốc tác động đến thần kinh bị cấm mang đến Nhật Bản. Từng có nhiều du học sinh, hoặc du khách đến Nhật bị người khác lừa mang hộ, cầm hộ những chất cấm này, hoặc lén bỏ vào hành lý, thế nên bạn hãy thật cẩn thận.

Ngoài ra, với các loài thuốc, mỹ phẩm hợp pháp sử dụng cho mục đích điều trị cá nhân, bạn có thể mang đến Nhật nhưng sẽ bị giới hạn số lượng. Toa thuốc mang theo chỉ được giới hạn với số lượng dùng trong 2 tháng.

5. Các vật dụng nguy hiểm

Các đồ nguy hiểm như súng lục, súng trường, súng máy, đạn, kiếm, chất nổ (bom, mìn, pháo,..), thuốc súng, vật liệu vũ khí hóa học, các chất dễ cháy (gas, cồn, xăng, sơn…), các chất hóa học độc hại, chất ăn mòn, lây nhiễm, oyx hóa… đều bị cấm mang đến Nhật.

6. Động vật như chó, mèo

Nếu muốn mang chó, mèo đến Nhật Bản, bạn bắt buộc cho chúng kiểm tra thú y xem có mắc các bệnh dại hay xoắn khuẩn không. Sau khi kiểm tra, nếu không có vấn đề gì thì thú cưng có thể được nhập cảnh, còn không sẽ bị từ chối mang vào Nhật Bản.

7. Các mặt hàng được kiểm soát bởi công ước Washington

Các mặt hàng được kiểm soát bởi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (công ước Washington) sẽ không được mang đến Nhật. Công ước này áp dụng cho sản phẩm từ lông thú, da, những mặt hàng đã được thương mại hóa như thuốc thảo dược Trung Quốc.

Để mang những thứ này vào Nhật, bạn phải có giấy phép từ nước xuất nhập khẩu và giấy chứng nhận nhập khẩu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.

Các mặt hàng này gồm:

– Hàng gia công từ lông hổ, báo, gấu; thắt lưng, ví, túi xách từ cá sấu, rùa biển, rắn, thằn lằn, đà điểu. Các sản phẩm từ ngà voi Ấn Độ, châu Phi; các loại nhồi bông thú từ đại bàng, chim ưng, cá sấu, tê tê.

– Thuốc thảo dược Trung Quốc có các thành phần từ hổ, gấu, hươu xạ…

– Các sản phẩm trang trí từ lông vẹt, lông chim công…, các thực phẩm, thuốc bao gồm nhân sâm, dương xỉ cà rốt, cây mía dò, cây thiên ma, trầm hương.

– Các loài động vật được bảo vệ như: khỉ, vẹt, đại bàng, chim ưng, rùa, trăn Ấn Độ, cá rồng châu Á; các loại thực vật như: hoa lan, xương rồng.

Nhật Bản trước giờ vốn nổi tiếng là quốc gia nghiêm khắc nên khi sang đất nước này học tập, du học sinh nên nhớ kỹ những thứ không được mang theo, tránh gặp phải rắc rối về pháp lý.

Trước đó một du học sinh Việt Nam tên Hắc Thị Phương Linh, 23 tuổi, đã bị bắt giữ tại Nhật do vi phạm luật kiểm dịch động vật. Linh đã mang theo 350 chiếc nem chua và 360 quả trứng vịt lộn tới sân bay quốc tế Tokyo vào hôm 13/6.

Thanh Hương (Theo Livejapan)

 

0 0 votes
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
mới nhất được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Bài viết liên quan