Chiều 21/5, trong chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp trực tuyến nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Theo đó, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết 6 chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trước đây và đáp ứng các yêu cầu: Giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây; Điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.
Điểm mấu chốt của các nội dung sửa đổi bổ sung lần này của Luật là nhằm tạo môi trường minh bạch, thông suốt và đồng bộ cho hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giảm chi phí và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài như việc qui định minh bạch thông tin đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ và bãi bỏ một số điều về phí môi giới và sửa đổi bổ sung qui định về chia sẻ phí dịch vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động. Thắt chặt hơn nữa quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp dịch vụ như nâng cao các điều kiện cấp phép hoạt động nhằm loại bỏ những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và khuyến khích những doanh nghiệp tâm huyết có cơ hội vươn lên và hướng tới đầu tư phát triển bền vững.
Về cơ bản, dự thảo Luật (sửa đổi) không mở rộng phạm vi điều chỉnh; tuy nhiên, dự án Luật đã bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Bố cục của dự Luật: Sau khi rà soát chỉnh sửa, dự thảo gồm 8 chương và 79 Điều: giảm 1 điều so với hiện hành; bãi bỏ 8 Điều, bổ sung mới 9 Điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 Điều của Luật hiện hành.
Chương I (07 điều) quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước; các hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của người lao động và các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
Chương II. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (37 điều) quy định về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ (24 điều), quy định đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các công trình, dự án mà doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài (03 điều); quy định đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài do tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư (03 điều); doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề (05 điều) và đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (02 điều);
Chương III. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (19 điều) quy định về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài (06 điều); người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp giao kết hợp đồng lao động (05 điều); bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài (05 điều) và chính sách đối với người lao động sau khi về nước (03 điều);
Chương IV. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động (04 điều).
Chương V. Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước (03 điều).
Chương VI. Quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (04 điều).
Chương VII. Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm (02 điều);
Chương VIII. Điều khoản thi hành (03 điều).
Nội dung sửa đổi cơ bản: Dự thảo Luật có 6 nhóm chính sách sửa đổi, bổ sung cơ bản sau:
Nhóm 1: Nội dung về sửa đổi, bổ sung đối tượng ký kết các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài
Bổ sung Đơn vị sự nghiệp được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 43);
Bổ sung khai báo thông tin trực tuyến của người lao động theo hình thức trực tiếp giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh (Điều 55).
Nhóm 2:Nội dung về minh bạch quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Các quy định về điều kiện doanh nghiệp hoạt động dịch vụ được sửa đổi theo hướng minh bạch, chặt chẽ, là hoạt động kinh doanh có điều kiện như: điều kiện thành lập, phải duy trì các điều kiện trong suốt quá trình hoạt động, vốn chủ sở hữu, chủ sở hữu và cổ đông là nhà đầu tư trong nước…
Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy phép cũng đã được sửa đổi để đảm bảo công khai, đơn giản và ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính công;
Nhóm 3: Nội dung về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài
Bổ sung quy định chuẩn bị nguồn lao động; chính sách nhằm hỗ trợ đối tượng chính sách xã hội (đối tượng yếu thế) được vay vốn, học nghề, học ngoại ngữ và kiến thức cần thiết khi đi làm việc ở nước ngoài;
Bổ sung các quy định nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao theo thỏa thuận, chính sách đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm định hướng chuẩn hóa và nâng cao chất lượng lao động về chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ; đẩy mạnh đưa người lao động làm việc trong một số ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao;
Nhóm 4: Nội dung về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Dự thảo Luật tập trung làm rõ khái niệm về tiền dịch vụ và bổ sung một số quy định liên quan đến tiền dịch vụ nhằm giảm thiểu tối đa chi phí đối với người lao động;
Bổ sung khái niệm và quy định rõ nội dung về Hợp đồng môi giới, vấn đề thù lao theo hợp đồng môi giới; bỏ quy định về việc người lao động có trách nhiệm hoàn trả một phần tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ.
Nhóm 5: Nội dung liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước
Bổ sung quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính ngoài ngân sách; được quản lý bởi Hội đồng quản lý và Ban Điều hành quỹ (Điều 68); bỏ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho Quỹ. Quỹ chỉ thành lập ở cấp trung ương, phạm vi hỗ trợ cả trung ương và địa phương.
Bổ sung các nội dung chi từ Quỹ, nhằm thúc đẩy phát triển thị trường có chất lượng, phòng ngừa rủi ro, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
Nhóm 6: Nội dung liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Bổ sung nghĩa vụ của người lao động sau khi kết thúc hợp đồng làm việc ở nước ngoài; quyền/nghĩa vụ của người lao động đi làm việc theo hợp đồng với đơn vị sự nghiệp;
Mở rộng phạm vi bảo lãnh đối với người lao động, theo đó “Trường hợp người lao động bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền do có hành vi vi phạm quy định tại Luật này mà cố tình trốn tránh không chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn pháp luật quy định thì người bảo lãnh có trách nhiệm nộp tiền phạt cho người lao động, nếu hai bên có thỏa thuận trong hợp đồng bảo lãnh”.
Theo Cục quản lý lao động ngoài nước.